Tiếng Trung-ngoại ngữ thứ hai mà tất cả các bạn sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở TNUE phải đạt được chứng nhận để làm điều kiện ra trường. Với nhiều bạn tiếng Trung là ‘nỗi ám ảnh’ trong suốt quãng đường sinh viên nhưng cũng có rất nhiều bạn coi tiếng Trung là môn học yêu thích, là đam mê thứ hai sau ngôn ngữ chuyên ngành và đạt được kết quả rất cao trong kỳ thi chứng nhận. Vậy bí kíp của các bạn cũng như của mình là gì? Mình xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm học tiếng Trung trong bài viết này, hy vọng có thể giúp các bạn sinh viên có thêm động lực để chinh phục với loại chữ tượng hình này nhé.
Trước khi nói về tiếng Trung thì chúng ta hãy tìm hiều học tiếng Trung của sinh viên chuyên ngành như thế nào nhỉ? Khóa mình học tiếng Trung gồm 8 tín chỉ chia đều ở 2 kỳ học. Chúng mình học khi là sinh viên năm nhất với học kỳ đầu do cô Hạnh Phúc siêu nhẹ nhàng và nhiệt tình giảng dạy. Nói chung về phần giảng viên của khoa thì không cần phải bàn vì quá xuất sắc và tuyệt vời. Các cô nói như người bản địa luôn và sẵn sàng giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của bạn trong quá trình học tập, kể cả khi mình ra trường có trao đổi việc học với các thầy cô không hề ngần ngại mà chia sẻ.
Còn về phần tiếng Trung có rất nhiều giáo trình có thể học nhưng khoa mình chỉ sử dụng giáo trình Hán ngữ 6 quyển, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm giáo trình Boya, quyển 301 câu đàm thoại tiếng Hoa,..
Khi bắt đầu học tiếng Trung hãy cố gắng học tốt phần ngữ âm nhé vì rất quan trọng trong phần nghe nói và luyện phản xạ sau này. Một điều thú vị là tiếng Trung có rất nhiều âm phiên âm giống âm Hán Việt, bạn có thể sử dụng trang webhttps://hvdic.thivien.net/để tra từ Hán Việt, cách đọc và cách sử dụng từ đó.
Theo cá nhân mình thấy trong quá trình học phần nghe nói dễ hơn tiếng Việt rất nhiều trong khi phần đọc viết yêu cầu bạn phải nhớ được mặt chữ và cách viết sao cho chính xác. Bạn có thể không cần nhớ hết 214 bộ của tiếng Trung nhưng cũng nên nhớ vài bộ cơ bản mà chúng ta hay dùng và quy tắc viết chữ Hán. Ví dụchúng mình học viết chữ 德thì hay nhớ rằng “Chim chích mà đậu cành tre/ Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm”, rất dễ nhớ đúng không nào? Để luyện viết từ mới, mìnhhay mua 1 quyển vở ô ly dày 1 chút, 1 bút chữ A, với từ nào không biết viết thì mình tham khảo trên mạng có rất nhiều video hướng dẫn viết từ cũng như đặt câu. Khi mà mình học từ mới mình sẽ viết từ đó thật nhiều lần, nhiều bạn hỏi mình có cách nào nhớ được mặt chữ nhanh nhất hay phải cần 1 trí nhớ siêu đẳng thì mình nghĩ không có bí kíp gì cả ngoài việc bạn đặt bút xuống viết từ mới đó, viết đi viết lại nhiều lần. Bên cạnh đó, khi mình học mình cố gắng đặt câu với từ mới và từ cũ,sau đó từ đặt câu thành cố gắng ghép lại thành đoạn văn khác nhau. Việc đặt câu đó không chỉ giúp mình nhớ từ mà còn củng cố phần ngữ pháp đã học, rèn luyện kỹ năng viết trong các kỳ thi HSK sau này. Ngoài ra mình cũng học theo từ mới theo chủ đề, ngữ cảnh, tình huống – một cách học mà mình chưa bao giờ thấy nhàm chán kể cả đối với học tiếng Anh cũng như bất kỳ ngoại ngữ nào. Mình nên kết hợp các kỹ năng với nhau, như kết hợp đọc viết bằng cách đọc-dịch các đoạn hội thoại trong giáo trình, mở rộng phạm vi đọc hiểu bằng những mẩu chuyện ngắn, tin tức bằng tiếng Trung...
Vậy mình đã học được từ mới, đã có thể đọc viết được thì làm thế nào để nghe nói như người bản địa? Có rất nhiều bạn nghe được nhưng không nói được vì các bạn thiếu từ vựng và chưa luyện được phản xạ trả lời. Bí kíp của mình là hay hỏi, chủ động thắc mắc với những từ mà mình chưa biết, chưa được học và note lại vào sổ tay. Mình cũng luyện nghe bằng cách nghe nhạc tiếng Trung, xem tik tok Trung Quốc, xem phim Trung Quốc để biết rằng họ sử dụng ngôn ngữ của họ như thế nào trong đời sống thực tế. Theo mình thấy việc luyện nghe các đề thi HSK chỉ giúp mình vượt qua kỳ thi đó còn muốn mở rộng việc giao tiếp tiếng Trung của mình thì nên mở rộng phạm vi học nghe nói của chính mình.
Bên cạnh đó, hồi mình là sinh viên mình rất thích tham gia các hoạt động của trung tâm dạy tiếng Việt cho các bạn lưu học sinh. Mình đã đăng ký làm tình nguyện viên được 2-3 năm, được tiếp xúc trực tiếp và kết bạn với các bạn sinh viên Trung Quốc, Đài Loan...Nhờ vậy mà kỹ năng mềm của mình cũng như vốn tiếng Trung của mình tăng lên đáng kế.
Mặc dù chúng mình học tiếng Trung từ năm nhất nhưng đến năm cuối mình mới thi HSK nhưng mình vẫn đạt được 294/300đ trong khi mình có ôn đề trước 1 tháng khi thi. Vì vậy học phải đi đôi với hành, nhất là tiếng Trung chúng ta cần phải kiên trì luyện tập hằng ngày. Nếu không sử dụng hằng ngày thì mình rất dễ quên mặt chữ, nghe nói được, đọc được nhưng bị mù chữ viết.
Ngoài ra tiếng Trung có thể là lựa chọn nghề nghiệp thứ hai sau tiếng Anh cho bạn, đơn giản là tầm ảnh hưởng của tiếng Trung trên thế giới thì tất cả chúng ta đều biết đúng không nào? Tất cả bí kíp là sự kiên trì và hứng thú, có kiên trì thời gian đầu, có hứng thú với ngôn ngữ sẽ là nguồn động lực bất tận cho chính bản thân bạn, đừng tạo áp lực cho mình khi học 1 ngôn ngữ nào đó mà hãy biến nó thành công cụ giao tiếp hằng ngày, thành niềm vui ngoài giờ lên lớp của bạn, thành thói quen trong cuộc sống của bạn. Tóm lại đối với việc học tiếng Trung nói riêng và ngoại ngữ nói chung mỗi chúng ta đều có một phương pháp học riêng, mình hy vọng tất cả các bạn sinh viên đều tìm được phương pháp học phù hợp và hiệu quả với chính bản thân mình nhé. Chúc các bạn sinh viên học tập sáng tạo-hiệu quả-thành công!