Lê Quang Huy - cựu sinh viên lớp tiếng Anh K51, hiện đang là giáo viên trường THPT Đại Từ và là học viên cao học ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Huy trở thành “hot topic” cho các bạn sinh viên Khoa Ngoại ngữ khi là người đầu tiên thi đạt điểm IELTS 7.5 với điểm Reading tuyệt đối và điểm Listening 8.0. Lê Quang Huy chia sẻ những kinh nghiệm đã giúp mình đạt được kết quả “khủng” như vậy với các bạn sinh viên khóa sau.
Theo Huy, nền tảng thành công của việc thi IELTS điểm cao là nắm vững các hiện tượng ngữ pháp và không ngừng học từ vựng cả chủ động lẫn bị động. Chủ động nghĩa là luyện đề, ôn tập, học trên lớp; còn thụ động là học khi các bạn hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên như nghe nhạc bằng tiếng Anh, xem phim tiếng Anh, chơi game tiếng Anh... Hai phương pháp học này sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều và giúp các bạn có nền móng vững chắc cho việc chinh phục bài thi không mấy dễ dàng này.
Chiến lược làm bài thi cũng rất quan trọng. Chiến lược làm bài thi bao gồm các chiến thuật đối với từng kĩ năng, từng dạng bài và quan trọng hơn cả là kĩ năng quản lí thời gian khi làm bài. Huy đã rèn luyện kĩ năng quản lý thời gian bằng cách tuân thủ thời gian rất nghiêm ngặt trong thời gian luyện đề. Ban đầu, Huy cài đặt đúng thời gian một tiếng với các kĩ năng Đọc và Viết. Khi đã tự tin hơn, Huy tự chủ động rút đi 5 đến 10 phút để có thời gian xem lại bài trước khi hết giờ. Việc này giúp cho Huy phân bổ thời gian hợp lý hơn và không bị “khớp” trong phòng thi.
Với mỗi kĩ năng Nghe, Đọc, Nói, Viết, Huy cũng có cách tiếp cận khác nhau. Huy ôn kĩ năng Nghe chủ yếu bằng phương pháp thụ động như là nghe nhạc, xem phim/video, chơi game để quen với các cách phát âm tiếng Anh của từng vùng trên thế giới giúp bản thân bớt bỡ ngỡ khi bắt gặp một “accent” lạ lạ khi đi thi. Huy cũng tìm thấy một nguồn tham khảo luyện nghe rất hay đó là kênh “What if” trên Youtube. Kênh video này rất phù hợp với những người đam mê khoa học giống như Huy. Bên cạnh việc giúp Huy trau dồi thêm từ vựng và thỏa mãn sở thích về khoa học, những video trên “What if” còn vô cùng hữu ích khi luyện nghe vì tốc độ ở những video này vừa phải, khá giống với tốc độ của các bài nghe trong kì thi IELTS.
Huy dường như không có “bí kíp” gì quá đặc biệt để đạt được điểm Reading 9.0. Huy cho rằng chỉ cần luyện thật nhiều đề theo các tài liệu thi mới nhất của nhà xuất bản Cambridge ESOL, bạn sẽ hình thành được các kĩ năng cần thiết cho bài thi đọc. Bạn sẽ xác định được với dạng bài nào mình sẽ dùng scanning hoặc dạng bài nào mình sẽ dùng skimming. Ngoài việc ôn luyện đề, Huy khuyên các bạn ngại đọc báo, truyện thì đọc luôn lại những bài đọc trong đề để luyện thêm từ vựng. Như vậy khi đi thi bắt gặp những đề dài, chủ đề khó và mới, các bạn sẽ bình tâm hơn để “xử” chúng.
Để chuẩn bị cho kĩ năng Viết, Huy tự trang bị kiến thức cho mình bằng cách tìm các bài Viết mẫu trên mạng cho từng dạng bài, ghi chép lại các cách dùng từ và cấu trúc hay, cách triển khai ý của các bài viết này. Sau đó, Huy luyện Viết theo các đề của tài liệu của Cambridge với thời gian rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, Huy còn tìm hiểu về những chủ đề hot ở thời điểm thi để có thông tin và những từ vựng liên quan. Ví dụ như ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế thế giới, việc phản đối hay ủng hộ tiêm vaccine phòng COVID... Chính vì vậy, khi đi thi, Huy cứ thấy đề Viết quen quen, nên coi như mình “trúng tủ”.
Huy không hài lòng nhất với kĩ năng Nói của mình. Hôm đi thi cả giám khảo và Huy đều đeo khẩu trang lại ngồi cách xa nên nghe câu hỏi không được rõ lắm. Điểm thi vì thế cũng chưa cao. Huy cho rằng cần tìm một “partner” để trò chuyện về các chủ đề thường gặp trong bài thi. Việc luyện tập sẽ giúp chúng ta sắp xếp ý logic, diễn đạt trôi chảy và nói được tự nhiên hơn.
“Mình biết việc đạt được trình độ C1 không hề dễ dàng, dù là bạn thi bài thi nào. Nhưng các bạn hãy yên tâm nhé, chương trình đào tạo của Khoa Ngoại ngữ mình cũng đã tạo cho chúng ta những nền tảng cơ bản nhất rồi. Vì vậy, các bạn hãy chăm chỉ và tập trung ngay tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ ngay từ năm thứ nhất. Đến năm thứ tư, các bạn chỉ cần dành thêm một chút thời gian luyện chiến lược thi là có thể tự tin đi thi được. Việc đạt C1 sẽ không còn khó khăn nếu các bạn thực sự cố gắng.” Huy mỉm cười chia sẻ và thổ lộ sẽ tiếp tục luyện tập thường xuyên để lần thi sau sẽ có kết quả cao hơn nữa.